Hiệu quả về tuyên truyền
Qua một năm phát động Cuộc thi lần thứ V (2023-2024), Ban Tổ chức đã nhận được nhiều tác phẩm dự thi, trong đó có 36 tác phẩm của 20 tác giả/nhóm tác giả báo chí trong và ngoài tỉnh đảm bảo thực hiện đúng quy định của thể lệ Cuộc thi ở các loại hình (trong đó có 11 tác phẩm báo in của 3 tác giả, nhóm tác giả; 11 tác phẩm báo hình của 8 tác giả, nhóm tác giả; 14 tác phẩm báo điện tử và báo nói của 14 tác giả, nhóm tác giả).
Ban Giám khảo đã chấm chọn và đề nghị Trưởng Ban Tổ chức trao 18 giải thưởng; trong đó có 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 3 giải Khuyến khích ở các loại hình báo chí (báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử).
Nhiều tác phẩm báo chí tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đặc sắc
Đánh giá về hiệu quả của Cuộc thi lần thứ IV (2022- 2023), ông Lê Văn Nhi- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Trưởng Ban giám khảo cho biết: Chất lượng các tác phẩm tham gia Cuộc thi viết về chính sách BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao rõ rệt. Chính vì vậy hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; cũng như việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh hoạt động của ngành BHXH và cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân và mọi người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao, với nhiều tác phẩm báo chí hết sức độc đáo.
Cụ thể như: Các tác phẩm báo in có đề tài khá đa dạng, phong phú, bao quát đầy đủ các chủ đề chính của cuộc thi, gồm: Tuyên truyền chính sách nhân văn của BHXH, BHYT, BHTN; phản ánh kết quả, thành tựu nổi bật của ngành BHXH; chân dung người tốt, việc tốt là những cán bộ, công chức và cộng tác viên tuyên truyền chính sách BHXH; phản ảnh những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách về BHXH trong thực tế… Trong đó, có một số tác phẩm ở thể loại chuyên đề phản ánh sự đầu tư công phu; phản ánh chân thực, khách quan về các sự kiện mang tính thời sự; một số tác phẩm thuộc thể loại phóng sự cung cấp cho bạn đọc cái nhìn cả cận cảnh và toàn cảnh về các chính sách BHXH đến với người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh, có sức tác động mạnh với người đọc.
Trong số các tác phẩm dự thi, nổi bật nhất là tác phẩm “Cảnh báo giả mạo chứng từ để trục lợi chế độ” của tác giả Lê Thị Diễm Lệ đơn vị Báo Quảng Nam. Đây là tác phẩm được đầu tư về nội dung, phản ánh tình trạng mua bán chứng chứng từ để trục lợi chế độ ngày càng tinh vi, phức tạp khiến việc giám định hồ sơ để giải quyết thụ hưởng chế độ BHYT của người lao động (NLĐ) càng phải thận trọng hơn. Nhiều trường hợp giả mạo giấy tờ, mua bán chứng từ để lập hồ sơ khống nhằm thụ hưởng chế độ đã bị phát hiện qua công tác giám định trên chứng từ của cơ quan BHXH tỉnh. Tuyên truyền NLĐ nên sáng suốt, không tin tưởng, mua bán giấy tờ giả trên mạng xã hội, tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” trở thành nạn nhân của việc mua bán phi pháp này. Tác phẩm “Giám đốc… BHXH tự nguyện” của tác giả Phạm Lê Văn, Tạp chí BHXH viết về một nữ Giám đốc dám nghĩ dám làm. Nhận thấy chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thiết thực với người dân, chị đã mạnh dạn thành lập công tay trong lĩnh vực này, vừa có thu nhập lo cho gia đình lại vừa giúp người dân có cuộc sống an sinh,…
Ở loại hình báo hình, nhiều tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng, có sự đầu tư và sáng tạo trong cách thể hiện. Có thể kể đến như tác phẩm “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội” của nhóm tác giả Trần Thị Thanh - Lê Anh Quân - Đỗ Thế Vạn, đơn vị Báo Nhân dân. Đây là tác phẩm được đánh giá cao về tính đề tài; nêu bật được vai trò của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với ngành BHXH. Theo đó, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư, xây dựng, hoàn thiện hệ thống CNTT, chuyển đối của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt chuẩn quốc tế… đáp ứng nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT…
Và tác phẩm “Ghi nhận từ một hội thi” của nhóm tác giả Huỳnh Văn Bảy - Trần Nghiêu Đức, đơn vị Đài PT-TH Quảng Nam Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam đã phản ánh về một Hội thi Tuyên truyền viên giỏi về tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2023. Qua hội thi, BHXH tỉnh sẽ phổ biến và nhân rộng các hình thức, phương pháp và nội dung tuyên truyền trong thời gian đến, hướng tới hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo.
Loại hình báo điện tử có số lượng tác phẩm tham dự nhiều nhất với 13 tác phẩm/08 tác giả, nhóm tác giả. Nhiều tác phẩm có sự đầu tư về nội dung và hình thức thể hiện. Có thể kể đến như bài phản ánh “Không để người lao động “lọt” lưới an sinh” của tác giả Đặng Hoài Nam. Phân tích rõ nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội mà dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang hướng tới. Nêu quan điểm Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này cần đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, nhất là tình trạng trốn đóng, cố tình chây ì, lách luật của doanh nghiệp; đồng thời phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội một cách bền vững, lâu dài.
Ngoài ra, tác phẩm Podcast“Tham gia BHXH tự nguyện, ai cũng có lương hưu” của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Linh, Báo Quảng Nam đã để lại dấu ấn đậm nét trong mùa giải năm nay. Với giọng đọc truyền cảm, nội dung trau chuốt, tác phẩm đã chuyển tải thành công thông điệp tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do hay người chưa đủ năm đóng BHXH khi đến tuổi nghỉ hưu đều được hưởng chính sách an sinh xã hội, được hưởng lương hưu, giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già. Giúp độc giả có cái nhìn khách quan và chính xác hơn về những lợi ích mà BHXH tự nguyện mang lại…
Tác phẩm báo nói mặc dù số lượng tác phẩm dự thi không nhiều nhưng các tác phẩm báo nói cũng được đánh giá cao về nội dung và đề tài thể hiện. Ví dụ như tác phẩm “Thăng Bình khắc phục nợ chậm đóng bảo hiểm” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Giang Biên - Nguyễn Trung Thực, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Thăng. Tác phẩm nêu bật vai trò của các buổi đối thoại trực tiếp với các đơn vị sử dụng lao động, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị cố tình chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Đây là biện pháp được ngành BHXH huyện thực hiện có hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng các đơn vị trên địa bàn chậm đóng BHXH-BHYT-BHTT.
Qua công tác chấm chọn ở 02 vòng Sơ khảo và Chung khảo, Ban Tổ chức đã quyết định trao 18 giải thưởng ở 04 loại hình báo chí cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, đáp ứng yêu cầu Thể lệ cuộc thi.
Tác giả bài viết: Thanh Dũng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn