Nhà truyền thống thành phố Tam Kỳ, được khởi công xây dựng từ năm 1978 và chính thức đưa vào sử dụng năm 1985, là thiết chế văn hóa tiêu biểu, có giá trị đặc biệt trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương. Hiện nay, Nhà truyền thống trưng bày hơn 2.000 tư liệu, hiện vật quý giá, tái hiện sinh động tiến trình lịch sử, văn hóa – xã hội, và những chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ qua các thời kỳ. Từ tháng 1/2025, công trình được cải tạo, nâng cấp toàn diện với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng, bổ sung nhiều hạng mục như: trụ cổng, tường rào, vỉa hè, nhà để xe, sân bóng đá mini, sân bóng rổ kết hợp bóng chuyền, khu vui chơi trẻ em, thiết bị thể thao ngoài trời, hệ thống camera an ninh, cây xanh...nhằm hình thành không gian văn hóa – thể thao cộng đồng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và giáo dục truyền thống của người dân.
Song song đó, công trình cải tạo Khu lăng mộ các chí sĩ yêu nước (xã Tam Phú) được đầu tư 4,1 tỷ đồng, gồm các hạng mục: cải tạo tường rào, cổng tam quan, khu mộ, bia di tích, sân hành lễ, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh… Dự án nhằm hoàn chỉnh hạ tầng khu di tích cấp tỉnh, đồng thời phát huy giá trị văn hóa – lịch sử, phục vụ phát triển du lịch và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Công trình cải tạo, nâng cấp Nhà truyền thống và Khu mộ các chí sĩ yêu nước được UBND thành phố Tam Kỳ khởi công từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán với nhiều hạng mục có yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật cao. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, thường xuyên rà soát và kiểm tra từng khâu từ thiết kế đến thi công.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ – ông Nguyễn Minh Nam nhấn mạnh: “Việc khánh thành Nhà truyền thống và Khu mộ chí sĩ yêu nước hôm nay không chỉ là kết quả của quá trình đầu tư, tôn tạo bài bản, mà còn là sự cụ thể hóa quan điểm: lịch sử không chỉ để ghi nhớ, mà còn để soi đường, dẫn lối. Đây là trách nhiệm chính trị và là tình cảm tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đối với tiền nhân và lịch sử. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 120 năm thành lập Phủ lỵ Tam Kỳ (1906–2026). Việc hoàn thành hai công trình này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước, mà còn tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa địa phương.”
Hai công trình hoàn thành sau hơn 4 tháng thi công đã tạo diện mạo mới, kết hợp hài hòa giữa giá trị lịch sử, văn hóa và yêu cầu không gian công cộng hiện đại. Đây không chỉ là điểm tựa tinh thần, mà còn là biểu tượng văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, bồi đắp niềm tự hào quê hương cho các thế hệ Tam Kỳ hôm nay và mai sau.
Tác giả bài viết: CHÂU THẢO – HOA LÀI
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn