Báo cáo tại hội nghị cho thấy, hiện nay, UBND thành phố đang cung cấp, sử dụng 201 dịch vụ công (DVC) toàn trình, 10 DVC một phần cấp huyện và 67 DVC toàn trình, 15 DVC một phần cấp xã theo Quyết định số 1059/QĐ-UBND ngày 25/5/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố danh mục thủ tục hành chính toàn trình, một phần cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, thực hiện bưu chính công ích trên địa bàn. Đồng thời, tham mưu đẩy mạnh công tác chỉ đạo để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong việc tham gia khai thác, sử dụng thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Kết quả cụ thể: tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 70,7%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 96,4%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 71,2%; tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 54,8%; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 77,1%. Đã rà soát, cập nhật, đồng bộ với CSDLQG về DC 10.378 dữ liệu mã số thuế, đạt tỉ lệ 100%. Việc khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, đến nay, 100% các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip. Lực lượng Công an thành phố đã hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện đảm bảo lộ trình Đề án 06. Trong 06 tháng đầu năm thu nhận 2.222 hồ sơ cấp CCCD cho công dân vừa đủ tuổi, cấp đổi, cấp lại căn cước; thu nhận 4.099 hồ sơ định danh điện tử mức 2. Tổng hồ sơ cấp CCCD thu nhận đến ngày 15/6/2024 là 92.471 hồ sơ, 56.681 hồ sơ định danh mức 2. Thực hiện thu nhận 240 CCCD tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần tỉnh Quảng Nam; 14 hồ sơ CCCD tại nhà cho người già yếu, bệnh tật không đi lại được trên địa bàn thành phố. Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã tập trung thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện Đề án như: công tác phối hợp, báo cáo, thống kê trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 chưa được thống nhất; các cơ quan, đơn vị, phòng; nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, kinh phí để phục vụ triển khai Đề án 06 còn nhiều hạn chế, chưa có sự hướng dẫn cụ thể về bố trí nhân lực bắt buộc, cũng như trang thiết bị cần thiết cho mỗi dịch vụ công; hệ thống đường truyền dữ liệu chuyên ngành chưa ổn định, thường xuyên mất kết nối dẫn đến việc truy cập, sử dụng, khai thác dữ liệu gặp khó khăn, mất thời gian. Cổng dịch vụ công thường xuyên xảy ra lỗi và yêu cầu cập nhật gây khó khăn trong quá trình hướng dẫn sử dụng, nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Duy Ân nhận định: Đề án 06 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Trong thời gian qua, một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt và đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án 06 của thành phố hiện ở mức trung bình và thấp hơn mức trung bình của tỉnh. Do đó, lãnh đạo thành phố đề nghị nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ Đề án 06; Tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06 trong nhân dân; Phát huy vai trò của lãnh đạo địa phương, Công an địa phương và tổ đề án 06 tại từng thôn, khối phố, xã, phường; Gắn nhiệm vụ Đề án 06 vào các phong trào thi đua; các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức giao ban đánh giá kết quả thực hiện Đề án 06; Từng đơn vị phải xác định đây là nhiệm vụ của mình chứ không phải nhiệm vụ riêng của ngành Công an, tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06.