Thời gian qua do sự biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài và ngày càng gay gắt, tình hình cháy rừng xảy ra khó lường so với các năm trước. Các xã có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao xã Tam Thăng, Tam Thanh và Tam Phú. UBND thành phố đã tập trung quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị đóng trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) theo kế hoạch đề ra.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Các Công điện năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ (số 31, số 41, số 43); các Văn bản của Trung ương, của tỉnh và chỉ đạo của Thành uỷ Tam Kỳ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố. Đồng thời chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan thành phố phối hợp Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, UBND các xã, phường tăng cường thực hiện công tác PCCCR trong các ngày cao điểm, nắng nóng kéo dài.
)Để chuẩn bị xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra, các ban ngành, UBND các xã, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đã chuẩn bị dụng cụ máy bơm đeo vai, máy bơm nước, máy thổi gió, máy cưa, cắt thực bì, loa, bình CO2 và các công cụ thủ công xẻng, cào cào sắt cán dài, rựa, vỉ đập bằng sắt,.... và các phương tiện huy động khác của ban ngành địa phương có liên quan để phục vụ sẵn sàng khi có cháy rừng xảy ra.
Tổ chức đóng hàng chục bảng báo, biển cấm, panô tuyên truyền,... tại các khu vực rừng trồng phòng hộ có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền PCCCR bằng nhiều hình thức. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp với 110 lượt người tham dự, cấp phát hàng trăm tờ rơi và ký cam kết trong công tác quản lý bảo vệ và PCCCR, tổ chức 40 đợt tuần tra các khu vực trọng điểm dễ cháy, chỉ đạo lực lượng tại địa phương trực 24/24 để ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra vào mùa nắng nóng, những ngày cao điểm,...
Kết quả cho thấy, trong năm 2024 trên địa bàn thành phố xảy ra 10 điểm cháy rừng. Các điểm cháy đã được các lực lượng, chính quyền địa phương và nhân dân dập tắt kịp thời, chủ yếu cháy thực bì dưới tán rừng cũng như một số điểm cháy nhỏ trong vườn nhà nên thiệt hại không đáng kể về mọi mặt.
Có được kết quả trên là nhờ vào sự quan tâm, theo dõi, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cấp ủy và các ngành, chính quyền địa phương, sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về trách nhiệm PCCCR gắn việc tổ chức thực hiện với công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và việc phân loại nhận xét thường xuyên cán bộ, Đảng viên hàng năm; xây dựng chính quyền và các đoàn thể vững mạnh. Ý thức được công tác PCCCR là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn dân; gắn việc kiểm tra, giám sát hoạt động tại các đơn vị cơ sở với chương trình kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư, cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch với công tác PCCCR của địa phương có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp.
Sự phối hợp của các ngành trong việc vận động nhân dân, chủ rừng tham gia PCCCR, phát huy được nguồn lực tại chỗ trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác PCCCR. Khi có cháy rừng hay cháy cây trồng xảy ra đã huy động lực lượng dập tắt, kịp thời, hiệu quả.
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác PCCCR, sự phối hợp giữa các lực lượng diễn ra khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, bất cập cần được quan tâm; cụ thể, các vụ việc vi phạm do cháy rừng phần lớn xác lập hồ sơ vi phạm nhưng việc truy tìm đối tượng gây cháy rừng mất nhiều thời gian, có những vụ việc không tìm ra đối tượng nên chưa xử lý, chưa răng đe, hiệu quả chưa cao.
Phương tiện, dụng cụ PCCCR có trang bị nhưng chưa hiện đại, chưa đáp ứng được yêu cầu; người dân vẫn còn chủ quan trong công tác PCCCR, việc vệ sinh thực bì rừng chưa đảm bảo, chưa thấy hết được sự nguy hiểm, nguy cơ do cháy rừng gây ra.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác PCCCR trong thời gian đến cần xác định một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng sau:
Một là, các ngành chức năng và UBND các xã có rừng phối hợp với các cấp Mặt trận, đoàn thể quần chúng tiếp tục quán triệt nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác PCCCR.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác PCCCR; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCCR đối với các tổ chức, cá nhân khi triển khai thực hiện các công trình, dự án có tác động đến rừng và đất rừng phải thực hiện xây dựng Phương án PCCCR.
Ba là, thường xuyên xây dựng và tổ chức lực lượng thực hiện Phương án PCCCR trên địa bàn thành phố; cụ thể hoá phương châm “4 tại chổ” bằng việc thực hiện “5 sẵn sàng” trong công tác PCCCR; trang bị nhiều hơn nữa dụng cụ PCCCR tại một số xã có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để chủ động trong việc chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Bốn là, nâng cao trách nhiệm PCCCR của các phòng, ban, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, các chủ rừng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về rừng và đất rừng để việc quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng ngày càng nâng cao hiệu quả./.
Tác giả bài viết: Phan Bi
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn