chieu led2
 

MỲ QUẢNG - NÉT VĂN HOÁ ẨM THỰC ĐẶC SẮC XỨ QUẢNG

Thứ hai - 03/06/2024 08:49
Đi xa bốn phương trời nhớ về quê mình Quảng NamYêu sao giọng hát hò khoan mảnh đất chứa chan tình ngườiNhớ con đường làng dáng mẹ gồng gánh vội vàngTiếng rao bên đàng ai Mỳ Quảng không?
MỲ QUẢNG - NÉT VĂN HOÁ ẨM THỰC ĐẶC SẮC XỨ QUẢNG
   Vâng! Ca khúc “Ai Mỳ Quảng không?” của cố nhạc sĩ Trần Phú Thiên với giai điệu mượt mà, sâu lắng như nhắc nhớ về một thức ăn dân giã nhưng lại là biểu tượng văn hoá của vùng đất Quảng Nam địa linh nhân kiệt, đó chính là Mỳ Quảng.
   Cho đến bây giờ, hẳn là người dân Quảng Nam vẫn còn mãi ghi nhớ xen lẫn lòng tự hào khi vào hồi năm 2017, Mỳ Quảng được chọn là món ăn phục vụ đại tiệc Hội nghị cấp cao APEC, diễn ra tại Đà Nẵng.
   Nhận thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của văn hoá ẩm thực Mỳ Quảng, tháng 11 năm 2022, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thành công Hội thảo và sau gần một năm - Vào tháng 10 năm 2023, đã cho ra đời kỷ yếu khoa học với tựa đề “Mỳ Quảng - Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc xứ Quảng”. 
  “Mỳ Quảng - Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc xứ Quảng” có phần chính văn gồm 199 trang. Đính kèm theo đó là 30 trang hình ảnh màu về nghề chế biến Mỳ tại Quảng Nam. Dưới lăng kính của nghệ thuật nhiếp ảnh, độc giả sẽ được hiểu thêm về không gian văn hoá sống động của món Mỳ Quảng trứ danh. Sách do Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành, khổ 16 x 24 cm. Với hình thức bìa cứng, bên ngoài phủ một gam màu xanh lá cây dịu mát, nổi bật tại khu vực trung tâm bìa sách là hình ảnh chiếc mẹt tre – một dụng cụ quen thuộc của người dân Việt Nam. Phía bên trên trình bày tô Mỳ Quảng với đầy đủ vật phẩm ăn kèm đã gây ấn tượng mạnh cho độc giả khi lần đầu tiếp cận với cuốn sách. 
   Ấn phẩm tuyển chọn 24 tham luận của nhiều tác giả là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu đến từ các Viện, trường Đại học, các cơ quan quản lý văn hoá, cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh. Sau phần nội dung phát biểu của ông Nguyễn Thanh Hồng, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam và báo cáo đề dẫn của PGS. TS. Nguyễn Văn Mạnh, bên cạnh nhiều tham luận khác về Mỳ Quảng, có thể kể đến một số tham luận tiêu biểu sau:
- Từ trang 15 đến trang 22: Mỳ Quảng - Một khái niệm mở ở vùng đất “Văn hoá mở” của tác giả Phùng Tấn Đông;
- Từ trang 40 đến trang 46: Mỳ Quảng -  Món ăn dân giã mang hương vị vùng đất và tính cách người Quảng Nam của tác giả Hồ Xuân Tịnh;
- Từ trang 104 đến trang 109: Mỳ Quảng trong hành trình Nam tiến của cư dân Quảng Nam của tác giả Hồ Vũ Minh Châu; 
- Từ trang 117 đến trang 121: Đắc dụng và linh hoạt – Nét đặc sắc của Mỳ Quảng của tác giả Phan Văn Hiển;
- Từ trang 142 đến trang 147: Mỳ Quảng trước sau suy ngẫm của tác giả Nguyễn Tấn Ái.
- Cuối cùng là phần tổng luận khái quát hoá và đúc rút ra hai vấn đề quan trọng được Hội thảo tập trung phân tích: 
+ Thứ nhất, về nguồn gốc, tên gọi Mỳ Quảng; 
+ Thứ hai, là cách chế biến và ăn Mỳ Quảng.
   Lật giở từng trang, từng trang, qua những nghiên cứu công phu và tâm huyết của các tác giả, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Với những đặc trưng về nguyên liệu, cách chế biến, cho nên khác với phở (miền Bắc), bún bò (Huế) hay hủ tiếu (miền Nam), Mỳ Quảng mang trong mình những đặc điểm riêng có, hết sức thú vị. Tuỳ điều kiện và vùng miền, nhưng của Mỳ Quảng có thể được chế biến từ thịt heo, bò, gà, vịt, trứng, tôm, cá, lươn, ếch, sứa…thậm chí có thể là nguyên liệu chay vẫn cho ra một tô Mỳ Quảng ngon lành, nóng hổi, ăn kèm với rau sống, ớt, đậu phộng, bánh tráng nướng giòn tan…
   Nhắc đến Mỳ Quảng, người ta không chỉ nhắc đến một món ăn ngon, bình dị, phong phú về gia vị, đặc biệt trong cách thưởng thức, linh hoạt trong khâu chế biến, mà còn là nhắc về tính cách, văn hoá, lịch sử nguồn cội của đất và người Quảng Nam.
   Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Mỳ Quảng - Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc xứ Quảng” còn đưa ra một số giải pháp, đề xuất góp phần tạo dựng, bảo tồn và phát huy thương hiệu Mỳ Quảng, nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu giá trị của một trong các sắc màu văn hoá độc đáo của tỉnh Quảng Nam với du khách trong và ngoài nước.
   Mỳ Quảng là gì? Vai trò của Mỳ Quảng trong văn hoá ẩm thực Quảng Nam ra sao? Phương thức sợi trong văn hoá ẩm thực được giải thích như thế nào? Điều gì làm nên sự đặc biệt ở Mỳ Quảng mà đã được tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt “Giá trị ẩm thực châu Á”? Hay dinh dưỡng trong một tô Mỳ Quảng được định lượng cụ thể từ điều gì? Còn rất nhiều, rất nhiều những bài tham luận hay, đặc sắc và những câu hỏi thú vị cần giải đáp đang chờ bạn đọc khám phá.
   Thư viện thành phố Tam Kỳ xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc yêu sách Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Mỳ Quảng - Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc xứ Quảng”. Ấn phẩm này hiện đang trưng bày và phục vụ tại kho sách người lớn – Cơ sở Thư viện số cộng đồng thành phố Tam Kỳ (Địa chỉ: Quảng trường 24/3, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Kính mời các độc giả dành thời gian tìm đọc hoặc mượn về nhà với chỉ số xếp giá: 394.1/Myq
Dưới đây là thông tin thư mục của ấn phẩm:
   Mỳ Quảng - Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc xứ Quảng: Kỷ yếu Hội thảo /Nhiều tác giả .- Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng, 2023

Tác giả bài viết: Kim Phượng

 Từ khóa: bốn phương, gồng gánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây