Di sản của tiền nhân!

Thứ ba - 21/01/2025 08:43
Về Hương Trà Tây (phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ) vào một chiều đầu Đông khi cơn bão Trà My (bão số 6) vừa đi qua. Mưa gián đoạn, tiết trời se lạnh nhưng thật ấm áp khi được nghe kể về di sản của Bá hộ Trần Văn Còng để lại cho hậu duệ là những “báu vật” thấm đậm tình đất, tình người.
Nhà thờ phải 4, chi 2, tộc Trần Hương Trà, (Hòa Hương, Tam Kỳ).
Nhà thờ phải 4, chi 2, tộc Trần Hương Trà, (Hòa Hương, Tam Kỳ).

“Báu vật” hơn 200 năm

Đi trên tuyến đường nhựa phẳng phiu, xuôi theo dòng sông Tam Kỳ, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Bá Toán (Chín Dư) ở cuối khối phố Hương Trà Tây. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đã “có tuổi” nằm cạnh “báu vật” mà chúng tôi đề cập trong bài viết. Cầm trên tay ly nước trà bốc khói thơm nức mùi hoa lài ông Chín Dư niềm nở kể. Ông Trần Văn Còng là một bá hộ, lúc sinh thời ông đã dành khoảng tiền khá lớn thuê người lên vùng cao mua gỗ mít, mời thợ nổi tiếng ở các làng nghề trong tỉnh về làm nhà. Không còn ai nhớ có bao nhiêu người thợ và đã làm bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, chỉ nghe qua lời kể là gia đình ông đã tiêu tốn hết nhiều bồ khoai, bồ lúa, hàng tạ đường bát đen, còn thuốc lá thì đếm không xuể.

Căn nhà hiện đang sử dụng làm nhà thờ phái 4, chi 2, tộc Trần (Hương Trà Tây) là một trong những căn nhà được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Mốc thời gian này chính xác hay không thì chưa có kiểm chứng nhưng ông Chín Dư, sinh năm 1954, là người thuộc đời thứ bảy sở hữu “báu vật” này. Qua mỗi đời sở hữu đều phải sửa chữa, bảo dưỡng và được khắc tên người đó trên đầu cột nhất. Căn nhà được làm bằng gỗ mít, cấu trúc theo kiểu thức “tam gian nhị hạ” (ba gian hai chái). Có tất thảy 30 cây cột, trong đó có 8 cây cột nhất, 10 cây cột nhì và 12 cây cột chái. Các cặp xuyên, trính, đầu hồi... đều được chạm trổ công phu và liên kết chặt chẽ với nhau. Đặc biệt các vì kèo được làm theo kiểu thức “tam đoạn kẻ chuyền”, thường gọi là kèo tam đoạn, nối với nhau tại các điểm tiếp xúc thông qua các cột nhất, cột nhì và cột chái. Riêng tại điểm tiếp xúc giữa 2 cây cột nhất có con đội “quả bí cánh dơi” chống đỡ liên kết giữa cây trính và vì kèo.

Căn nhà còn lưu giữ nguyên vẹn dấu tích của người xưa, từ bộ phản gỗ, tủ thờ, bức hoành phi, câu đối cùng những nét hoa văn chạm trổ khá tinh xảo… Từ ngoài nhìn vào, điều dễ nhận thấy nhất là 2 câu đối được khắc trên đá “Đức thừa tiên tổ thiên niên thịnh/ Phúc ấm nhi tôn bách thế vinh”, tạm dịch “Sự tích đức của tổ tiên sẽ mang lại thịnh vượng cho con cháu; khi biết ơn và hiếu thảo, đời sau sẽ được vinh quang”. Hai câu hoành phi treo trang trọng 2 bên bàn thờ tổ “Kim ngọc bất bửu nhơn thân vi bửu/ Mạch tắc phi hinh minh đức duy hinh”, tạm dịch “Lúa nếp, cao lương không thơm; chỉ đức hạnh mới thơm”. Những cánh cửa buồng khoa đặt trên đà gỗ cao ráo, các bức ngăn phòng được lắp bằng những tấm phên lụa, kiến thẻ tua rơi; đầu kèo, đuôi kèo trang trí cách điệu nhờ kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi rất điêu nghệ của những người thợ làng mộc Văn Hà.

Ông Chín Dư cho biết, qua nhiều lần sửa chữa nhưng hai lần gần đây nhất là vào năm 1972 ông Trần Văn Sang xây tường bảo vệ xung quanh và năm 2004 ông Chín Dư xử lý mối mọt, sơn sửa, quét vôi. Hàng năm tại nhà thờ Tộc Trần diễn ra 4 lần lễ tế (tế xuân 12/2 ÂL, 2 lần giỗ tổ 11/5 ÂL, 11/11 ÂL và chạp mả vào ngày 6/12 ÂL). Con cháu ở các nơi tề tựu về đông đủ, được ôn lại truyền thống hiếu học của các thế hệ con em. Qua đó, giúp nhau vượt qua khó khăn để thi đua học tốt, đạt được nhiều kết quả trong công tác khuyến học – khuyến tài. Nhiều người đã tốt nghiệp Đại học hoặc cao hơn.
 

anh 2 cac tam hoanh phi dat trang trong truoc ban tho toanh nguyen dien ngoc
Các tấm hoành phi đặt trang trọng trước bàn thờ tổ.

“Thị ơi thị rụng bị bà”

Cùng thời điểm xây dựng nhà, ông Trần Văn Còng cho người trồng cây thị ngay trên khoảng đất rộng trước nhà. Đất tốt cùng với việc chăm bón kỹ, không lâu sau cây thị đã có tán to, rộng, là chỗ để dân làng dừng chân nghỉ mát trong những ngày hè nắng nóng.

Đến mùa trái thị chín, hương thơm tỏa ra khắp nơi làm nhiều người gợi nhớ đến câu nói của bà lão trong truyện cổ tích Tấm Cám “Thị ơi, thị rụng bị bà, bà để bà ngửi, chứ bà không ăn”. Mùi hương đặc trưng của thị, không thể có mùi thơm của quả nào khác lẫn lộn được. Tiền nhân trồng thị không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh và có phong thủy đẹp mà còn mong con cháu trong gia đình, dòng tộc có được tiếng thơm muôn thuở. Theo đông y, phần ruột của trái thị không chỉ ngon, bổ dưỡng và có dược tính quý, mà phần vỏ của trái thị cũng chứa lượng tinh dầu lớn có tác dụng tiêu độc, tiêu viêm, thường dùng bôi ngoài da để chữa rắn cắn hoặc bệnh giời leo. Ngoài ra các bộ phận khác của cây thị cũng có thể được bào chế thành những vị thuốc để chữa các bệnh như nôn mửa, ngộ độc, sốt,... Phát huy công dụng, cây thị của Bá hộ Trần Văn Còng đã giúp biết bao người dân chữa khỏi những căn bệnh thường gặp trong đời sống.

Trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt cây thị của ông Còng vẫn đứng vững. Tuy nhiên bị gãy hai nhánh lớn do cơn bão năm Giáp Thin (1964) và cơn bão số 9 (năm 2020) gây ra. Cây thị hiện đang xanh tốt, cao hơn 30m, đường kính gốc gần 1,5m, tán rộng 30m. Bà Nguyễn Thị Nhẫn, 75 tuổi, khối phố Hương Trà Tây cho biết, cây thị của Bá hộ Trần Văn Còng đã gắn liền với tuổi thơ của những người cùng thời. Từ đầu tháng 6 đến rằm tháng bảy âm lịch trái thị chín vàng mọng tỏa hương thơm khắp làng. Giữa khuya bà Nhẫn cùng các bạn trong xóm rủ nhau đi lượm về ăn, nếu để đến sáng thì người khác lượm mất. Chỉ lượm những trái chín rụng xuống đất chứ không dám trèo lên cây để hái vì nể câu nói của người xưa “Cây thị có ma, cây đa có thần”.

 Với công lao to lớn của Bá hộ Trần Văn Còng, Thượng thư bộ lại Trần Văn Thủ, tiếp đến Trần Văn Tước (Hương Ngận), Trần Văn Lang, Trần Văn Lưu (Bá Lưu), Trần Văn Sang, Trần Bá Toán... nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vật thể. Những “báu vật” này có thể đóng góp vào sự nghiệp phát triển du lịch của thành phố Tam Kỳ theo hướng du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa, lịch sử như đề án phát triển du lịch của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030!?
 

anh 9 ong chin du keo day do chu vi goc cay thianh nguyen dien ngoc 1
Ông Chín Dư kéo dây do chu vi gốc cây thị.

Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây