2
 

GIỚI THIỆU SÁCH “NGƯỜI LÍNH ĐIỆN BIÊN KỂ CHUYỆN”

Chủ nhật - 21/04/2024 11:36
Chín năm làm một Điên BiênNên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng Vâng! Lời thơ như một đúc kết lịch sử ngắn gọn, từ lâu đã đi vào lòng bao thế hệ, tạo nguồn cảm kích cho hàng triệu trái tim về một Điện Biên rực sáng, huy hoàng. Đó không những là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Qua đó, gợi lên trong em niềm tự hào về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam.
GIỚI THIỆU SÁCH “NGƯỜI LÍNH ĐIỆN BIÊN KỂ CHUYỆN”

Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III năm 2024, hướng tới kỉ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Thư viện thành phố Tam Kỳ xin giới thiệu cuốn sách mang tựa đề :“Người lính Điện Biên kể chuyện”. Sách do nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn - nguyên giảng viên khoa tiếng Nga trường Đại học Ngoại Ngữ ĐHQG Hà Nội kể lại qua sự thể hiện của nhà báo trẻ Kiều Mai Sơn. Đây quả là một sự tái hiện vô cùng mới lạ và đầy cuốn hút về diễn biến trận chiến ngay tại đồi A1 của nhà giáo Đỗ Ca Sơn cùng đồng đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

         Cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện” gồm nhiều chuyện kể xúc động như: Người kể chuyện về đồng đội, quyết định của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Sẽ về thủ đô, Nước mắt, Tiến công đồi A1, Suýt bị kỉ luật trong ngày chiến thắng… Ấn phẩm này là tập hợp 21 câu chuyện giản dị, mộc mạc về những con người đã làm nên lịch sử. Sách được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2019, khổ 14,5 cm x 20,5cm, dày 102 trang.

          Bìa sách thật ấn tượng với màu xanh lá - màu của sự sống, của hi vọng, của tự do, hoà bình và là màu xanh quân phục với điệp trùng bước chân người lính. Góc trái bìa sách là hình ảnh người lính già cùng em nhỏ cầm bó hoa trên tay nghẹn ngào, xúc động tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên trận địa này. Điều đó, phần nào khẳng định thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi trân trọng và khắc ghi công lao to lớn của các anh. Tên cuốn sách với phông chữ hoa bình thường, dung dị như chính họ - những người lính Điện Biên năm xưa đã làm nên những điều hết sức phi thường, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

          Những câu chuyện được nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn kể lại khi tuổi đời đã ngoài 80 nhưng kí ức về những ngày đêm lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên như mới đây thôi. Ông chia sẻ: “Tôi không kể lịch sử chiến dịch, không kể về những diễn biến của chiến dịch, mà tôi kể những mẩu chuyện những người lính chúng tôi ở Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu như thế nào, đã sống như thế nào trong 56 ngày đêm ấy”.

         Trong số những câu chuyện ấy thì “Quyết định của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở trang số 9 của cuốn sách khiến tác giả vô cùng phấn khởi bởi đây là một quyết định sáng suốt, đúng đắn và hết sức nhân đạo của Đại tướng khi chuyển từ phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc thắng chắc”. Nhờ đó mà hạn chế được thương vong, mở đường cho chiến dịch đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Lật từng trang, từng trang ta như bị cuốn, bị hút về thời điểm khốc liệt ấy, như thể ta đang ở trong trận chiến đẫm máu và nước mắt ngày nào, đang sục sôi, đang hừng hực khí thế xông pha trận mạc. Từ câu chuyện “ Mỗi tấc đất chiến hào phải trả bằng máu” ở trang 34 đến “Nước mắt” ở trang 44 hay câu chuyện “Đói và khát” ở trang 69 là cả một “kho chuyện” mang màu nước mắt.

Chỉ với xẻng và cuốc, không có dụng cụ nào khác, người lính Điện Biên cần mẫn đào giao thông hào. Đêm đào, ngày đào, đào đến đâu nguỵ trang đến đấy. Nhưng vì đào quá nhiều giao thông hào giữa cánh đồng nên địch phát hiện. Chúng dùng máy bay ném bom, tập trung đại bác, súng cối để cản phá việc đào hào. Đào trận địa cũng là cuộc chiến đấu ác liệt, dai dẳng và đẫm máu không kém gì những cuộc tiến công giáp lá cà giữa hai bên…Trong gần 60 ngày đêm ấy, ngày nào cũng có thương vong. Những đồng đội vừa hi sinh được khiêng về, bàn tay thấm máu đồng đội, đến bữa ăn, không có nước phải xoa tay xuống đất cho hết máu đi, rồi bốc cơm ăn.

          Sau một đêm đánh trận, sáng hôm sau trở về, đại đội có 100 người, hi sinh khoảng 20 người và khoảng 30 người. 100 suất cơm đành để nguyên một nửa không có người ăn. Những người lính sống sót vừa mệt mỏi lại vừa thương bạn, nhiều người cũng bỏ ăn. Cơm nắm lăn lóc trên miệng hào. Anh nuôi ném mạnh con dao và nắm cơm đang cắt dở, nước mắt giàn giụa:

          - Tôi nấu làm gì? Nấu cơm, chả thằng nào ăn cả. Cơm bỏ lăn lóc thế này.

          Nấu không thằng nào ăn thì nấu làm gì? Câu hỏi nghẹn ngào trong nước mắt ấy khiến anh nuôi có một quyết định nhanh chóng.

          - Tôi ra chiến đấu. Đằng nào anh nuôi cũng chết kia mà, đằng nào anh nuôi cũng hi sinh kia mà, thế mà vẫn mang tiếng chỉ nấu cơm thôi. Ra chiến đấu, tôi có chết cũng là với tư cách chiến sĩ, không phải chết với tư cách anh nuôi.

Hay trong câu chuyện “Nỗi đau thịt trộn bùn non” từ trang 65 đến trang 68. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về chiến dịch Điện Biện Phủ với những câu thơ đã được nhiều thế hệ người Việt Nam ghi nhớ: 

“ Năm mươi sáu ngày đêm

          Khoét núi

          Ngủ hầm

          Mưa dầm

          Cơm vắt

          Máu trộn bùn non.”

- Di chuyển trong chiến hào, những đôi dép lốp, dép râu của các chiến sĩ ta giẫm lên bùn đất, không chỉ có máu, mà còn dính thịt của các đồng đội mình. Thịt và máu của các chiến sĩ trộn bùn non, thứ bùn nhão nhoét. Anh em giẫm lên mà nước mắt tuôn trào. Khi trở về hầm của mình để nghỉ, có khi chúng tôi phải tháo chiếc dép ra, lấy que gạt bùn đất dính máu và thịt của đồng đội. Vừa làm như thế mà nước mắt chảy ròng.

          Càng đọc ta lại càng phấn khích, càng muốn xem thước phim đó sẽ đi tới đâu? Có thắt ruột, thắt gan, có xót xa, phẫn uất hay gào thét tâm can như câu chuyện trước không? Từng câu, từng lời trong mỗi chuyện “đẩy” ta đi từ cung bậc cảm xúc đầy kịch tính này sang cao trào của cung bậc cảm xúc khác. Những tưởng sẽ không có phút giây trầm lắng, suy tư hay lãng mạn, yêu đời. Nào ngờ đâu câu chuyện “Thi đua bám sát cự li” cộng hưởng với “Sẽ về thủ đô” khiến tim ta không khỏi bồi hồi, thổn thức với những câu chuyện bông đùa của các anh chiến sĩ về các cô dân công, sự mộng mơ của chàng trai trẻ Hà Thành khi nhớ về Hà Nội. Đã vậy, lại còn phải bật cười thích thú trước câu chuyện “Sự gian dối đáng yêu” bởi sự tinh ranh, tiểu xảo với cái “móc ngoặc” dễ thương giữa những người lính bộ binh và pháo binh để có đạn “nã” vào quân thù. Cái từ “móc ngoặc” như một sáng kiến khi cả quả đồi bị cày xới nát bét, những hố bom đạn chi chít như bề mặt tổ ong. Khi Pháp thả dù đạn 105 li xuống, thu được đạn 100 viên, thì họ chỉ khai báo với cấp trên 50 viên, còn 50 viên đem giấu để dành cho pháo binh. Đến lúc pháo binh Việt Nam dội bão lửa xuống trận địa quân Pháp khiến cả hai bên ngỡ ngàng, không biết pháo binh của mình lấy đạn đâu ra mà bắn dữ thế?

Còn nhiều và nhiều những câu chuyện rất chân thật, rất nhân văn nữa đang chờ chúng ta khám phá. Hãy đọc để thấm, để hiểu và để cảm nhận sâu sắc tất cả dư vị mà những người lính hiên ngang, gan dạ ấy đã trải qua.

Cuốn sách là món quà tâm huyết của cả người kể lẫn người thể hiện để kính dâng lên những người đã làm nên mốc son chói lọi bảy mươi năm trước, những người đã nằm xuống hay những người đang còn sống. Đây cũng chính là món quà tuyệt vời gửi tặng đến các bạn trẻ - những mầm xanh tương lai của tổ quốc. Nhắc nhớ chúng ta hãy luôn tự hào mình là người con đất Việt, hãy sống có trách nhiệm, hãy bảo vệ, gìn giữ chủ quyền và nền độc lập nước nhà, ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập để phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy. Để tinh thần Điện Biên Phủ vẫn sống mãi, động viên, thúc giục thế hệ trẻ vững bước kế tiếp sự nghiệp cha ông.

Cuốn Sách tại phòng đọc thiếu nhi - Thư viện số cộng đồng thành phố Tam Kỳ trân trọng giới thiệu

Tác giả bài viết: Nguồn: Bài dự thi Trường THCS Lý Thường Kiệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây